Disney bỏ quảng cáo TP nghèo dinh dưỡng cho trẻ em

Tốt cho sức khỏe có thể tốt cho kinh doanh?

James Poniewozik

(New York Time) Các chương trình TV cho trẻ em và các loại thực phẩm nghèo dinh dưỡng (junk food) vốn đã luôn đi đôi với nhau từ thuở phương tiện truyền thông này mới ra đời. Tuy nhiên giờ đây, tập đoàn Disney đã lên kế hoạch bỏ hẵn những quảng cáo thực phẩm nhiều đường và chất béo nhằm vào trẻ em khỏi các chương trình của mình (kể cả chương trình ABC sáng Thứ Bảy). Theo The New York Times, đầu tháng 6, tập đoàn này đã công bố lệnh cấm, sẽ được thực hiện dần cho đến 2015, trong một chương trình cùng với Michelle Obama.

Động thái này có lẽ sẽ được đưa vào các cuộc tranh luận nóng hơn đang diễn ra xoay quanh vấn đề các tổ chức phải hành động thế nào để thúc đẩy sức khỏe cộng đồng và chống béo phì, như lệnh cấm được thành phố New York đề xuất về nước ngọt khổng lồ trong nhà hàng, mặc dù một doanh nghiệp tự nguyện hạn chế quảng cáo của nó có vẻ như là một đề nghị ít gây tranh cãi hơn so với việc chính phủ ra một lệnh làm sụt giảm doanh số bán hàng của doanh nghiệp. (Tuy nhiên, sự tham gia của một thành viên nhà Obama làm tôi phải suy đoán rằng sẽ có ai đó chính trị hóa vấn đề này.)

Nhưng điều làm tôi quan tâm về động thái của Disney không chỉ là các lệnh cấm quảng cáo, mà còn là một dự án liên quan có thể biến ý tưởng thúc đẩy sức khỏe cộng đồng thành một xu hướng kinh doanh tốt: tập đoàn này sẽ ra mắt tem kiểm tra chất lượng Mickey (Mickey Checks), một mẫu tem nhãn hiệu Disney dán trên các sản phẩm thõa mãn tiêu chuẩn chất lượng của tập đoàn này.

Tôi không phải là chuyên gia dinh dưỡng, và tôi cũng không có ý định đi đánh giá xem các tiêu chẩn chất lượng ứng với tem Mickey Check có tốt như chúng nên thế không. Tôi có thể nhìn thấy lập luận rằng một nỗ lực như thế này chỉ có gây thêm hỗn loạn logo trên bao bì thực phẩm, nhiều logo trong số đó là do nhà sản xuất tự tạo, chỉ có thể gây thêm nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Và tôi cho rằng Disney vẫn sẽ bán rất nhiều loại thực phẩm không tem mà vẫn đáng ăn tại các công viên giải trí của mình.

Nhưng thực tế là Disney, vốn là một tập đoàn giải trí chứ không phải là một công ty thực phẩm, đang nhìn thấy một cơ hội kinh doanh và xây dựng thương hiệu trong việc tránh quảng cáo thực phẩm nghèo dinh dưỡng, bằng cách cố gắng tạo cho riêng mình một hệ thống các loại thực phẩm lành mạnh, ít ra là có thể làm thay đổi cung cách làm việc của các doanh nghiệp vốn chỉ dựa vào quảng cáo. Thông thường, khi một doanh nghiệp từ chối quảng cáo vì lý do gì: thuốc lá, rượu, bánh kẹo, họ được coi là đang phải hy sinh lợi nhuận vì lý do PR hoặc lý do quảng bá. Ở đây, Disney lại cho thấy rằng họ có thể hưởng lợi từ việc từ chối quảng cáo: trong trường hợp này là tạo nên một mối quan hệ mới và thân mật với người tiêu dùng.

Trước đây tôi đã viết về quảng cáo trong các chương trình cho trẻ em. Giống như rất nhiều các bậc cha mẹ ngày nay, giữa DVR và DVD, các con tôi xem rất ít quảng cáo truyền hình, và vì vậy, tôi nghe các bậc cha mẹ than phiền về nội dung của truyền hình dành cho trẻ em ít hơn nhiều so với than phiền về nội dung các mẫu quảng cáo trong các chương trình đó. Một mặt, tôi có thể nhìn thấy các bậc cha mẹ sẽ biết ơn Disney Channel khi vắng các quảng cáo sản phẩm nghèo dinh dưỡng trong khoảng giờ giải lao trên kênh này. Nhưng loại bỏ bớt quảng cáo chỉ là một mặt của vấn đề; một mặt khác, mà Disney dường như đang cố hướng tới, là muốn hướng dẫn cho các ông bố bà mẹ lựa chọn thực phẩm khi vào các quầy tạp hóa.

Bạn có thể phản biện rằng bạn không muốn nhờ tư vấn dinh dưỡng của Disney, và điều này cũng đúng thôi. Bạn có thể cho rằng cách ăn tốt hơn là tránh hoàn toàn các món thực phẩm chế biến sẵn, đóng hộp và chỉ mua các nguyên liệu tươi sống, và tôi sẽ không cãi lại đâu. Nhưng điều có vẻ có ý nghĩa là một công ty lớn đã quyết định khuyến khích ăn uống tốt hơn không phải vì từ thiện mà là vì một cơ hội kinh doanh mới. Tuy nhiên, tôi chỉ hy vọng, rằng điều này không có nghĩa là dấu chấm hết cho bài hát Hot Dog của Câu lạc bộ chuột Mickey.